Tiềm năng phát triển cây thanh trà ngọt
Tiềm năng phát triển cây thanh trà ngọt
Thanh trà ngọt được chú Cập cải tạo, nghiên cứu giống tốt hơn
Vài năm trở lại đây, thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế của cây thanh trà ngọt nhiều nông dân tại TX Bình Minh đã mạnh dạn tăng diện tích trồng; vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, vừa phát triển vùng nguyên liệu loại trái đặc trưng của địa phương.Hiệu quả kinh tế cao
Từ loại cây trồng ăn chơi đã có lâu đời ở TX Bình Minh, đến nay thanh trà được xem là cây đặc trưng thứ hai (sau bưởi Năm Roi) ở địa phương này. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trồng thanh trà chua thì giờ đây đã dần chuyển hướng sang thanh trà ngọt vì thị trường ưa chuộng, năng suất không thua kém nhưng giá cả cao hơn gấp nhiều lần.
Theo chú Huỳnh Văn Cập - Giám đốc Hợp tác xã Thanh trà ngọt Đông Thành (xã Đông Thành- TX Bình Minh), trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng thanh trà chua, giống thanh trà ngọt lúc này trái nhỏ, cây hay bỏ mùa (không ra trái) nên mỗi nhà chỉ trồng chừng vài cây để ăn chơi. Tuy nhiên, nhìn thấy tiềm năng lớn của trái thanh trà ngọt, chú Cập đã cất công đi nhiều nơi tìm kiếm giống thanh trà ngọt cho trái chất lượng ngon nhất.
“Khoảng 20 năm trước, khi đến xã Mỹ Hòa, tôi tình cờ phát hiện một cây thanh trà ngọt có trái to, cơm dày, ăn vị ngọt thanh rất ngon nên chiết nhánh đem về trồng thử, đồng thời nghiên cứu, cải tạo giống tốt hơn. Khi cây cho trái chất lượng vẫn ngon như vậy, tôi đã mở rộng diện tích, nhiều người cũng đã mạnh dạn trồng theo. Thanh trà ngọt có giá dao động từ khoảng 100.000-120.000đ/kg, cao hơn gấp khoảng 4-5 lần thanh trà chua. Cây thanh trà ngọt cho trái 1 vụ/năm, từ rằm tháng Giêng đến cuối tháng 2 âm lịch” - chú Cập chia sẻ.
Theo chú Cập, để đạt hiệu quả cao khi trồng, không nên dùng phương pháp chiết nhánh vì tỷ lệ hao hụt cao, thay vào đó nên sử dụng cách ghép cành với cây con ươm từ hạt là hiệu quả nhất. Khi ươm hạt ghép với nhánh đã chiết thì tỷ lệ đạt hiệu quả sẽ cao hơn. Thời gian ươm hạt là 1 năm, sau đó, lấy gốc ghép vào nhánh khoảng 2 tháng, dưỡng thêm 1 tháng là có thể trồng. Cây giống được tiêu thụ chủ yếu vào mùa trái, khi người mua trái thấy ngon, sẽ mua về trồng. Hiện hợp tác xã có 11 thành viên với khoảng 10 ha trồng loại cây này. Hợp tác xã vừa cung ứng trái (khi vào mùa sản lượng cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn/vụ/năm) và cây giống với giá từ 200.000 - 250.000đ/cây. Mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 7.000 - 8.000 cây giống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh, ngoài ra còn cung ứng cho các siêu thị, cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm từ trái thanh trà.
Trồng xen 130 cây thanh trà ngọt vào vườn bưởi, chú Trương Văn Hoàng (xã Đông Thành - TX Bình Minh), cho biết: “Tôi trồng xen được 7 năm, đến nay cũng đã thu hoạch được vài vụ. Riêng vụ vừa rồi mặc dù tán cây chưa lớn nhưng đã cho thu hoạch gần 800kg trái, thu nhập gần 100 triệu đồng. Loại cây này nhẹ công chăm sóc, năng suất khá, giá trị kinh tế cao, mùa rồi tôi bán tại vườn được 120.000đ/kg. Hiện tôi cũng xen cây thanh trà ngọt thay thế dần cây bưởi”.
Tiềm năng phát triển
Nhiều nông dân trồng thanh trà ngọt cho hay, cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, không kén đất, cây dễ đậu trái, không cần phân thuốc nhiều, lại có giá trị kinh tế cao. Trồng từ cây giống ghép có thể cho trái từ 3 năm, từ 7 - 8 năm là có hiệu quả, năng suất khá. Đồng thời, đây cũng là loại cây “ăn lâu”, hiệu quả kinh tế dài. Theo chú Cập, 1 cây thanh trà ngọt trồng trên 10 năm có thể cho 70kg trái và cây trồng 15 năm có thể cho 150kg trái.
“Cây này chỉ cần chăm sóc kỹ trong 2 năm đầu. Khi cây ra bông có thể xịt thuốc sơ để phòng ngừa sâu đo, khi đậu trái thì phòng ngừa rầy, sau đó không cần can thiệp nhiều, cây thuận theo tự nhiên để phát triển. Nông dân cũng đã ý thức hơn, hạn chế sử dụng phân thuốc khi trồng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng được phân khúc thị trường cao hơn. Nhờ đó, đây được xem là loại trái cây sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, rất được ưa chuộng, nhất là khách du lịch. Mỗi khi đến mùa thanh trà là thương lái đến thu mua tận vườn, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường” - chú Cập cho hay.
Nói về hướng phát triển sắp tới của trái thanh trà ngọt, chú Cập cho biết: “Tôi đã thấy tiềm năng rất lớn từ trái thanh trà ngọt nên khuyến khích nhiều thành viên tham gia vào hợp tác xã để mở rộng diện tích, tăng sản lượng. Theo đó, nhiều nhà vườn cũng đã chủ động liên hệ để tham gia vào hợp tác xã để liên kết, có đầu ra ổn định hơn. Hiện, bên cạnh bán cho thương lái, hợp tác xã cũng đã liên kết với siêu thị, cơ sở chế biến để thêm đầu ra ổn định cho loại trái này”.
Thanh trà ngọt cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị khai thác lâu dài.
Ông Lê Thanh Thuận - Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh, cho hay: Thanh trà được xem là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thời gian qua, người dân cũng đã phát triển diện tích trồng cây thanh trà ngọt.
Đây là loại cây cho trái cho giá trị khai thác lâu dài. Bên cạnh đó, cũng có thể khai thác theo hướng cây cảnh trồng trước nhà, bởi không chỉ cho trái đẹp cây còn ít rụng lá, ít tốn công chăm sóc, ít bậc gốc khi có mưa giông. Hiện Phòng Kinh tế cũng đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu thanh trà ngọt, tham gia đánh giá OCOP cho sản phẩm, đồng thời tiến hành hỗ trợ bảo hộ quyền cây giống, nhãn hiệu hàng hóa tập thể.
Đồng thời, nghiên cứu, khuyến cáo nông dân ghép cải tạo giống thanh trà ngọt này trên gốc thanh trà chua hiện có khi hiệu quả kinh tế được khẳng định. Về lâu dài, khi diện tích cây thanh trà ngọt phát triển nhiều, sản lượng lớn sẽ hỗ trợ, nghiên cứu các sản phẩm chế biến từ thanh trà ngọt, từ từ định hướng phát triển giống cây trồng này gắn với du lịch sinh thái tại địa phương.